
1. Trị liệu bằng thú cưng là gì?
Những bé thú cưng tham gia trị liệu sẽ được đưa đến thăm những nơi như bệnh viện, viện dưỡng lão, trung tâm chăm sóc, trường học. Hầu hết những bé phục vụ quá trình trị liệu thường là cún, một số loài khác như mèo, thỏ, chuột lang, ngựa cũng là ứng cử viên phù hợp. Các bé sẽ được huấn luyện trước, có tính tình thân thiện, dễ làm quen với mọi người và có hành vi đúng mực. Liệu pháp trị liệu bằng thú cưng sẽ dựa trên mối liên kết giữa thú cưng, chủ nuôi và bệnh nhân. Mục đích của trị liệu cho thú cưng là giúp những người cần được hỗ trợ để phục hồi, vượt qua vấn đề sức khỏe hoặc chướng ngại tâm lí, tâm thần.
Những người cần được trị liệu thường bị căng thẳng, chán nản và trị liệu bằng thú cưng sẽ giúp họ giảm bớt cảm xúc tiêu cực, tăng sự tự tin, khuyến khích tương tác giữa 3 bên: bệnh nhân, thú cưng và chủ nuôi từ đó giúp xoa dịu cảm xúc, giảm lo lắng và cải thiện tâm trạng của bệnh nhân. Cụ thể hơn, liệu pháp trị liệu bằng thú cưng sẽ giúp bệnh nhân:
- Năng vận động, có năng lượng hơn: Việc đi dạo cùng bé cún hay đơn giản là vuốt ve bé mèo cũng là một dạng vận động
- Bớt cảm thấy bị cô lập hay cô đơn: Bạn luôn được vây quanh bởi những những người bạn nhiều lông và riêng việc cùng chơi với bé cũng tốn của bạn thời gian gần hết ngày
- Cải thiện kỹ năng giao tiếp và kỹ năng sống: Khi đi dạo với bé cún, bạn có thể vô tình được chào đón bởi những bé cún lạ khác và từ đó có cơ hội nói chuyện nhiều hơn với những chủ nuôi thân thiện.
- Giảm cảm giác nhàm chán, đơn điệu: Mấy bé thú cưng thân thiện luôn có cách thu hút mọi người một cách lạ kì. Đối với các bé năng động, các bé luôn tìm ra trò mới để rủ bạn cùng tham gia.
- Cải thiện tình trạng sức khỏe: Khi bạn hạnh phúc và vui vẻ bên các bé thú cưng, cơ thể sẽ tự sản xuất ra Endorphin giúp giảm huyết áp, lâu dài cải thiện sức khỏe tim mạch
2. Các loại trị liệu bằng thú cưng
Về cơ bản, trị liệu bằng thú cưng có thể chia thành 3 loại, bao gồm:
- Thăm khám trị liệu: Đây là hình thức trị liệu bằng thú cưng phổ biến nhất. Ở hình thức này, chủ nuôi sẽ đưa thú cưng của mình cùng đến các buổi chăm sóc, điều trị sức khỏe với chuyên gia. Đối với những bệnh nhân nhập viện và thú cưng để ở nhà chăm sóc, việc đưa các bé đến gặp chủ cũng tạo ra động lực thúc đẩy chủ nuôi khỏe lại để có thể trở về nhà với những bé con lông xù của mình.
- Trị liệu có động vật hỗ trợ: Ở hình thức này, những bé thú cưng sẽ được chọn lọc để huấn luyện đặc biệt nhằm mục đích hỗ trợ các bác sĩ trong quá trình trị liệu cho bệnh nhân. Thú cưng có thể giúp bệnh nhân tăng cường vận động thể chất và cả tinh thần qua những tương tác nhỏ như nựng, vuốt ve hoặc chơi cùng bé. Ngoài ra, thú cưng tham gia trị liệu còn giúp bệnh nhân học các kỹ năng chăm sóc thú cưng để họ có thể tự chăm sóc thú cưng của mình trong tương lai.
- Trị liệu sử dụng thú cưng tại cơ sở chăm sóc sẽ khác biệt so với các hình thức trên. Các bé thú cưng sẽ được nuôi dưỡng, chăm sóc và huấn luyện ngay tại cơ sở điều trị để có thể theo dõi và khích lệ các bệnh nhân bị Alzheimer hoặc bị các bệnh tâm thần, tâm lý. Những bé này sẽ được học về cách nhận ra giới hạn tiếp xúc với các bệnh nhân cũng như ranh giới khu vực sống để bảo vệ những bệnh nhân này an toàn.
3. Những người nên và không nên tham gia trị liệu bằng thú cưng
Liệu pháp trị liệu bằng thú cưng có tác dụng với rất nhiều người, từ có vấn đề về thể chất đến tinh thần, từ bị cấp tính đến mãn tính. Từ những bé nhỏ đến người già đều cảm thấy các bé thú cưng có thể đem lại cảm giác an ủi, sự vui vẻ và cả sự giải trí. Ví dụ như các bé thú cưng có thể hỗ trợ trị liệu tâm lý cho những người mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương hoặc những người có vấn đề về tim, huyết áp cao cũng có thể được hỗ trợ giảm huyết áp sau khi tiếp xúc với thú cưng.
Mặc dù vậy, trị liệu bằng thú cưng trong một số trường hợp không phải là phương hướng điều trị tốt cho các bệnh nhân, đặc biệt những người không thích thú cưng. Họ sẽ cảm thấy khó chịu và tăng thêm sự căng thẳng khi phải buộc tiếp xúc với các bé, khiến cho tình trạng bệnh có thể trở nên xấu đi. Những bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu hoặc bệnh hen suyễn cũng phải hết sức thận trọng khi tiếp xúc với vật nuôi, đề phòng xảy ra bất kì vấn đề về sức khỏe.
4. Các yêu cầu để đảm bảo an toàn khi tham gia trị liệu bằng thú cưng
Thường các cuộc thăm khám, trị liệu bằng thú cưng sẽ diễn ra an toàn, tuy nhiên để phòng tránh và kịp thời xử lý các trường hợp phát sinh, cả thú nuôi và người huấn luyện – hay là chủ nuôi bé đều cần được đào tạo bài bản. Các bé thú cưng cần được huấn luyện tuân theo mệnh lệnh còn người huấn luyện cần học cách kiểm soát thú cưng.
Các bé thú cưng được chọn tham gia trị liệu cần phải hiền lành và bình tĩnh. Các bé cún hoặc mèo tăng động khi nhảy lên người bệnh nhân có thể vô ý gây ra các vết thương, và những vết thương đó có thể gây ra ảnh hưởng đến bệnh nhân về mặt thể chất hoặc tinh thần. Người huấn luyện khi tham gia cùng cần phải thân thiện và nhẹ nhàng tương tác cùng thú cưng và bệnh nhân để giúp người bệnh cảm thấy thoải mái.
Mặt khác, các bệnh nhân tham gia trị liệu cũng cần hành động nhẹ nhàng với thú cưng. Chỉ cần vô ý sảy tay khiến các bé ngã cũng có thể khiến bé bị thương hoặc việc ôm quá chặt cũng khiến bé khó chịu. Để giảm thiểu các trường hợp đó, người huấn luyện nên ở gần vật nuôi để đảm bảo an toàn cho các bé, kịp thời xử lý các vấn đề xảy ra.
Đối với các bé thú cưng tham gia trị liệu, các bé cần được đảm bảo cơ thể khỏe mạnh và sạch sẽ để không mang mầm bệnh vào các cơ sở y tế, điều trị. Các bé cún và mèo nên được tắm và chải lông thường xuyên để không gây ảnh hưởng đến những người bị dị ứng. Thêm nữa, tất cả các vật nuôi cần phải được tiêm phòng đầy đủ, tẩy giun và đảm bảo không bị các bệnh nội ngoại kí sinh trùng.